Những điều cần biết khi làm giáo viên chủ nhiệm lớp


Giáo viên chủ nhiệm có vai trò quản lý lớp và đẩy mạnh các hoạt động thi đua học tập cho của các học sinh. Chúng tôi xin chia sẻ tới các bạn một số thông tin để đưa các em vào nề nếp và hình thành nhân cách đạo đức tốt cho học sinh.

1. Cần biết rõ được mọi hoạt động của lớp

Người giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt được tình hình học tập, sinh hoạt của cả lớp cũng như từng em học sinh. Có thể lấy thông tin từ giáo viên chủ nhiệm cũ, từ ban cán sự lớp hay thông qua sự nói chuyện, tiếp xúc với học sinh.
Sau đó, giáo viên chủ nhiệm chia lớp thành các tổ, trong đó mỗi tổ có số lượng học sinh khá, giỏi, trung bình đều nhau. Cần sắp xếp chỗ ngồi để các em tự giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong học tập. Bầu lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, nhiệm vụ của các bạn đó là quản lý lớp, theo dõi sát sao tình hình và báo cáo với giáo viên ngay khi có bất kỳ vần đề nào xảy ra. Ban cán sự lớp nên chọn những bạn có học lực tốt, chăm chỉ, ngoan ngoãn và khả năng quản lý tốt.


2. Giáo viên chủ nhiệm cần tâm huyết với nghề

Khi làm giáo viên chủ nhiệm đòi hỏi bạn phải dành khá nhiều thời gian và công sức để quản lý lớp. Ví dụ, trong các hoạt động văn nghệ của trường lớp, giáo viên chủ nhiệm phải có mặt để động viên tinh thần học sinh. Làm được như vậy mọi phong trào của lớp sẽ sôi nổi hơn, giúp tất cả đoàn kết với nhau.
Hoặc, trong buổi chào cờ, tập thể dục giữa giờ, giáo viên chủ nhiệm cũng phải sát sao, xem bạn nào chưa thực sự nghiêm túc để chấn chỉnh kịp thời.
Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm cũng nên tổ chức một buổi hoạt động ngoài giờ trong tháng. Nên xây dựng nội dung cho phong phú để nhận được sự hào hứng, tích cực của các em học sinh.
Ví dụ: tháng 11 thì nội dung nên chọn là các chủ đề về thầy cô, về mái trường. Như vậy các em càng thêm yêu trường, yêu lớp, yêu thầy cô và cố gắng học tập, ngoan ngoãn dành tặng những tình cảm quý mến tới thầy cô.
Hãy thường xuyên lắng nghe, trao đổi với Ban Giám hiệu và nhận xét từ giáo viên bộ môn về ý thức cũng như tình hình học tập của lớp. Từ đó giáo viên chủ nhiệm biết được học những học sinh nào chưa ngoan, ý thức không tốt và học sinh nào có học lực yếu kém để điều chỉnh kịp thời. Giáo viên chủ nhiệm cần bỏ ra nhiều thời gian, công sức tìm hiểu hoàn cảnh của từng học sinh trong lớp. Có thể để các em tự thổ lộ bằng cách cho cả lớp viết những điều mình muốn gửi gắm ra giấy, hoặc thông qua phụ huynh học sinh. Giáo viên nên gần gũi với học sinh, nhất là những bạn cá biệt để giúp các em hòa đồng với lớp hơn. Đôi khi, các em hay bị thầy cô trách mắng nên tự ti hoặc bất mãn. Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm là phân tích cho các em hiểu được sự phải trái, đúng sai và cố gắng hơn trong học tập cũng như xây dựng đạo đức tốt.





Tóm lại, giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng đối với tập thể lớp học. Bạn phải tâm huyết và dành nhiều thời gian quan tâm, sát sao tới các học sinh của mình. Còn gì vui bằng việc thấy cả lớp ngày càng tiến bộ và đoàn kết với nhau nhiều hơn. Chúc các thầy cô mạnh khỏe và thành công!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét